Phó Thác Hoàn Toàn (7)
Lựa Chọn Giữa Thiện Và Ác
Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền biên soạn
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Bài giảng này tập trung vào một điểm chính, đó là sự phó thác hoàn toàn của Chúa Giê-su. Khi chúng ta hiểu rõ Chúa đã phó thác hoàn toàn cho chúng ta, thì chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá từ sự phó thác của Chúa.
Tại Sao Chúng Ta phải Vâng Giữ Hoàn Toàn Lời Dạy của Chúa Giê-su?
Ma-thi-ơ 5:38 – 42 38 “Các ngươi có nghe lời dạy rằng: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ 39 Nhưng ta bảo các ngươi, đừng chống cự lại kẻ ác. Nếu ai vả má bên hữu ngươi, thì hãy đưa má bên kia cho họ luôn. 40 Nếu ai muốn kiện ngươi để lấy chiếc áo trong của ngươi, thì hãy để họ lấy luôn chiếc áo ngoài nữa. 41 Nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, thì hãy đi hai dặm với họ. 42 Ai xin của ngươi thì hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng ngoảnh mặt quay đi.”
Lời dạy này là khó khăn lắm, chúng ta quả thật phải phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời mới có thể vâng giữ lời dạy này (Xin đọc bài giảng “Chống Cự Lại Kẻ Ác Bằng Quyền Năng Và Trí Tuệ Của Chúa Trời” để hiểu rõ ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh trên).
Tại sao chúng ta lại phải đưa má kia cho người ta? Tại sao chúng ta phải vâng giữ lời dạy của Chúa Giê-su đến dường này? Có phải là tại vì sợ rằng nếu không vâng giữ lời dạy của Chúa thì chúng ta không được cứu chuộc và bị hư mất chăng? Có phải chỉ vì Chúa Giê-su nói như vậy thì chúng ta cứ làm như y như thế chăng? Tại sao chúng ta lại muốn trở thành Tín Đồ Cơ Đốc? Có phải là chỉ vì chúng ta muốn được cứu chuộc không?
Tại sao chúng ta lại phải phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời? Nếu chúng ta chỉ phó thác một phần cho Chúa Trời, thì thật ra chúng ta không có phó thác cho Ngài, phó thác thì phải phó thác hoàn toàn. Nếu chúng ta chỉ vâng giữ một phần lời dạy của Chúa Giê-su thôi, thì thật ra chúng ta không có vâng giữ lời của Chúa. Thí dụ: trong trường hợp chúng ta bị người ta vả tát vào má, một là chúng ta không vâng giữ lời của Chúa, hai là chúng ta vâng theo lời của Chúa và đưa má bên kia cho họ, chúng ta không thể chỉ vâng giữ một phần thôi. Nếu chúng ta bị người ta bắt buộc phải đi hai dặm, một là chúng ta không đi, hai là chúng ta vâng theo lời của Chúa mà đi hai dặm. Nếu chúng ta chỉ đi một dặm rưởi thì chúng ta vẫn không có vâng giữ lời của Chúa, bởi vì Chúa bảo chúng ta đi hai dặm, chứ không phải một dặm rưởi. Bởi vậy phó thác cho Chúa Trời thì phải phó thác hoàn toàn, phó thác một phần hay phân nữa thì vẫn là không phó thác. Vâng giữ lời của Chúa Giê-su thì phải vâng giữ hoàn toàn, nếu chúng ta chỉ vâng giữ một phần thì vẫn là không vâng phục.
Phó Thác Hoàn Toàn cho Chúa Trời là Cần Thiết cho Sự Cứu Chuộc của Chúng Ta
Trong Hội Thánh ngày nay, người ta hay nói rằng: “Chúng ta chỉ cần tin rằng Chúa Giê-su chịu chết để cứu chuộc ta ra khỏi tội lỗi, Chúa là Con của Chúa Trời, chúng ta chỉ cần tin những điều này là đủ rồi. Còn việc đưa má bên kia cho người khác thì không quan trọng.”
Chúng ta tin rằng Chúa chịu chết để cứu chuộc ta, ấy là tốt lắm, nhưng cả Satan cũng tin như vậy. Niềm tin như vậy thì không cần phó thác cái gì cho Chúa Trời cả. Nhưng đưa má bên kia cho người ta thì cần phải phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời. Chỉ khi chúng ta phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời thì ta mới có thể làm tròn điều răn này.
Phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời có phải là cần thiết cho sự cứu chuộc của ta không? Trong phần cuối cùng của bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói rằng hễ ai đã lắng nghe lời dạy của Chúa mà không làm theo những điều đó thì cuộc sống của người ấy tựa như một người xây cất nhà cửa trên cát; vào Ngày Phán Xét nhà này sẽ bị sụp đổ. Còn hễ ai đã lắng nghe lời dạy của Chúa, ấy là gồm luôn phần đưa má bên kia cho người khác, nếu người ấy sống theo những điều răn ấy thì cuộc sống của người tựa như một người xây cất nhà cửa trên hòn đá; vào Ngày Phán Xét nhà ấy sẽ không rung động gì cả.
Các bạn muốn xây cất nhà cửa trên cát hay là trên hòn đá? Các bạn muốn cho nhà của bạn sụp đổ hay là đứng vững vào Ngày Phát Xét?
Chúa Giê-su Đã Phó Thác Hoàn Toàn Cho Chúng Ta
Bây giờ chúng ta tiếp tục tìm hiểu về câu hỏi này: “Tại sao chúng ta lại phải phó thác cho Chúa Trời?” Đầu tiên để chúng ta nghiên cứu cuộc đời của Chúa Giê-su, Chúa có làm tròn lời dạy của mình không?
Trong bốn quyển sách Tin Lành: Tin Lành theo Ma-thi-ơ, Tin Lành theo Mác, Tin Lành theo Lu-ca và Tin Lành theo Giăng có ghi lại những việc Chúa Giê-su đã làm, chúng ta thấy Chúa luôn luôn làm theo đúng những điều chính mình dạy bảo các môn đồ. Cuộc đời của Chúa là một cuộc đời phó thác hoàn toàn cho chúng ta.
Khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên cây Thập Tự, Chúa còn cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34). Chúa Giê-su đến vào thế gian, phần nhiều người đời không tiếp nhận Chúa, họ bắt bớ cười nhạo Chúa, nhưng Chúa vẫn vui lòng tự nguyện chịu chết trên cây Thập Tự để chuộc tội cho người đời. Suốt cả cuộc sống trên thế gian, Chúa Giê-su đã phó thác chính mình hoàn toàn vào trong việc cứu chuộc người đời. Chúa đã sống theo đúng mỗi một lời dạy của mình. Tất cả những điều Chúa dạy bảo chúng ta làm, thì Chúa đã làm trọn vẹn rồi.
Vì Lòng Thương Xót Mà Chúa đã Phó Thác Hoàn Toàn Vào Việc Cứu Chuộc Chúng Ta
Bài giảng trên núi chấm dứt vào cuối chương 7 của Ma-thi-ơ, đầu chương 8 ghi rằng ngay sau khi Chúa đi từ trên núi xuống, Chúa làm một phép lạ chữa trị một người bịnh phung. Chúa còn giơ tay rờ người đó nữa. Sau đó Chúa Giê-su làm một phép lạ khác để chữa lành người đầy tớ của thầy đội.
Chúa Giê-su làm phép lạ không phải để khoe khoang quyền năng của mình. Thật ra có nhiều lần sau khi Chúa làm phép lạ chữa lành người bịnh, Chúa bảo người đó đừng nói cho ai biết cả. Chúa làm phép lạ để bày tỏ cho dân chúng biết rằng mình đến để cứu vớt và chữa trị người đời. Chúa đến đây vì Chúa quan tâm và thương xót cho chúng ta. Vì lòng thương xót cho chúng ta mà Chúa đã phó thác chính mình hoàn toàn vào trong việc cứu chuộc chúng ta.
Ma-thi-ơ 9:13 13 Hãy đi và học cho biết câu này nghĩa là gì: “Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ.” Vì ta đến đây không phải để kêu gọi kẻ công nghĩa, nhưng kêu gọi kẻ có tội.”
Chúa đến đây để kêu gọi kẻ có tội, chứ không phải kẻ công nghĩa. “Ta muốn sự thương xót, chứ không phải của lễ.” Chúa Trời Đức Gia-vê coi lòng thương xót cho người khác còn quan trọng hơn hiến dâng của lễ cho Ngài nữa.
Ma-thi-ơ 9:36 36 Nhìn thấy đám dân đông, Chúa động lòng thương xót, vì họ khốn khổ và vất vưởng như bày chiên không có người chăn.
Chúa động lòng thương xót cho dân chúng vì họ khốn khổ và vất vưởng như bày chiên không có kẻ chăn vậy. Còn chúng ta có lòng thương xót cho người ta không? Chúng ta đều là ích kỷ, thông thường chúng ta chỉ lo nghĩ đến việc của mình thôi, chúng ta không thể bỏ quên chính mình mà lo nghĩ cho người khác.
Bốn quyển sách Tin Lành đã ghi lại những sự kiện Chúa chữa lành người bịnh, tha tội cho tội nhận, trừ quỷ v.v. Chúa đã phó thác chính mình hoàn toàn vào việc cứu vớt người đời. Lòng thương xót của Chúa được bày tỏ ra một cách rõ ràng trong mỗi một việc Chúa làm.
Lòng Thương Xót Khiến Cho Sự Phó Thác Của Chúng Ta Có Ý Nghĩa
Bây giờ chúng ta trở lại việc đưa má bên kia cho người ta. Khi Chúa bị đóng đinh trên cây Thập Tự, Chúa còn cầu nguyện cho những kẻ lập mưu giết hại Chúa; Chúa bị người đời khinh miệt cười nhạo, mà Chúa chịu chết để cứu vớt họ. Khi Chúa làm như vậy thì đúng là bị vả tát vào má bên hữu rồi, Chúa còn đưa má bên kia cho người đời nữa. Tại sao Chúa làm việc này? Có phải là tại vì Đức Cha đã dặn Chúa làm như vậy, tuy Chúa không biết tại sao mình phải làm điều này, nhưng tại vì Đức Cha đã dặn thì Chúa cứ tuân theo cho dù Chúa không hiểu rõ lý do tại sao. Rồi Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta cũng bắt chước Chúa Giê-su, tuy rằng chúng ta không biết tại sao mình phải đưa má bên kia cho người ta, nhưng tại vì Chúa Giê-su bảo vậy, thì chúng ta cứ làm theo đúng như thế chăng?
Chúa đưa má bên kia cho người đời là tại vì Chúa thương xót cho người đời.
Trừ phi chúng ta có lòng thương xót, bằng không thì việc đưa má bên kia cho người ta cũng là vô ý nghĩa. Nếu chúng ta không biết tại sao mình làm việc này, thì ta không thấy mục đích của việc này là cái gì. Vậy thì cho dù chúng ta có đưa má bên kia cho người ta, nhưng tại vì chúng ta không có một thái độ chính xác ở bên trong, thì việc đưa má bên kia cho người ta cũng thành ra sai lầm và vô dụng. Bởi vậy chính là lòng thương xót khiến cho sự phó thác của chúng ta có ý nghĩa, và cũng khiến cho việc đưa má bên kia cho người ta mang ý nghĩa chính xác.
Ăn Năn Hối Cải, Tha Tội và Lòng Thương Xót
Nhưng tại sao chúng ta lại phải có lòng thương xót? Chúa Trời Đức Gia-vê có lòng thương xót vô biên, ấy là tốt lắm, chúng ta cảm tạ Ngài. Vậy thì để Ngài thương xót cho người đời đi, nhưng tại sao chúng ta lại phải đi thương xót người khác? Ngài có lòng thương xót cho người đời là đủ rồi, còn chúng ta có thương xót cho người ta hay không thì đâu có quan trọng gì cả?
Chúa Giê-su dạy rằng nếu chúng ta không tha thứ cho người khác, thì Chúa Trời cũng không tha thứ cho ta. Nhưng nếu chúng ta không có lòng thương xót thì ta không thể tha thứ cho người khác một cách chân thành, bởi vì chúng ta cứ nhớ mãi những chuyện người ta làm tổn thương đến mình. Trừ phi chúng ta có một tấm lòng thương xót chân thành, bằng không ta không thể tha thứ cho người khác một cách chân thành.
Nhưng làm sao mà chúng ta có được một tấm lòng thương xót chân thành? Chỉ có một cách duy nhất, đó là Chúa Trời làm biến hóa tâm hồn của ta.
Chúa Trời có lòng thương xót cho chúng ta, khi Ngài tha tội cho chúng ta thì Ngài cũng ban cho ta một tấm lòng thương xót. Sự tha tội của Chúa Trời đã làm biến hóa tâm hồn của ta khiến chúng ta trở nên một người hay thương xót người khác.
Nhưng chúng ta muốn được Chúa Trời tha tội thì trước tiên ta phải ăn năn hối cải tội lỗi của mình. Nếu chúng ta không ăn năn hối cải thì Chúa Trời sẽ không tha tội cho ta.
Sự Nhận Thức về Điều Thiện và Điều Ác
Nhưng tại sao chúng ta lại phải ăn năn hối cải? Ăn năn hối cải là lìa bỏ tội ác mà hướng về tốt lành. Cái gì khiến chúng ta lìa bỏ tội ác mà hướng về tốt lành? Chúng ta cần phải nhận thức được điều nào là điều thiện và điều nào là điều ác, rồi chúng ta mới có thể quyết định lựa chọn điều thiện và chối bỏ điều ác.
Sự nhận thức về điều thiện và điều ác là bắt nguồn từ thời còn ở trong vườn Ê-đen.
Sáng Thế Ký 3:22 22 Gia-vê Chúa Trời nói rằng: “Nầy, con người đã trở nên một kẻ giống như chúng ta, nhận biết điều thiện và điều ác; vậy bây giờ nó sẽ giơ tay hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời.”
Sau khi A-đam và Ê-va ăn cái trái của kiến thức về thiện và ác rồi, họ mới nhận biết điều thiện và điều ác. Trước khi A-đam phản nghịch lại lời của Chúa Trời, người không nhận biết điều thiện và điều ác (Xin đọc bài giảng “A-đam Và Người Nữ Phạm Tội Lỗi” để hiểu rõ lời giải thích của sự kiện này).
Hai chữ “nhận biết” trong Kinh Thánh không phải nói về một sự hiểu biết trong đầu óc, mà ấy là một sự nhận biết thuộc linh và sự nhận biết qua kinh lịch. Khi một người kinh lịch điều thiện và điều ác thì người nhận biết thiện và ác.
Trong vườn Ê-đen, khi A-đam và Ê-va thấy trái lê ngon miệng thì họ cứ hái mà ăn, việc đó không có liên quan gì đến thiện và ác cả. Nhưng khi A-đam và Ê-va phản nghịch lại lời dặn của Chúa Trời mà ăn cái trái của kiến thức về thiện và ác, thì họ đã làm một việc ác. Họ nhận thức thiện và ác qua việc ác của mình.
Khi chúng ta làm một điều ác, ta nhận thức thiện và ác qua việc ác của mình. Khi chúng ta làm một điều thiện, ta cũng nhận thức thiện và ác qua việc thiện của mình. Chúa Trời nhận thức thiện và ác không phải vì Ngài có làm điều ác, nhưng tại vì chúng ta làm điều ác nghịch với Ngài. Chúa Giê-su nhận thức thiện và ác, vì Chúa đã chịu khổ nạn bởi những điều ác chúng ta làm. Nhưng nếu một người chưa hề làm một điều thiện hay một điều ác, thì người ấy không nhận biết thiện và ác.
Hành Động của Thân Thể, Hiểu Biết trong Trí Óc và Hành Động Thuộc Linh
Hàng ngày chúng ta có nhiều hành động. Hành động của thân thể thì không có liên quan đến thiện và ác. Thí dụ: tôi ăn cơm trưa, sau cơm trưa tôi ăn trái cây; những chuyện này không có liên quan gì đến thiện hay ác cả.
Khi chúng ta học hành thì ta có sự hiểu biết, ta biết làm toán, ta biết đọc chuyện v.v. Sự hiểu biết này là hiểu biết trong trí óc. Và sự hiểu biết trong trí óc cũng không có liên quan đến thiện và ác. Một người học cao thì chưa chắc là một người thiện, ngược lại một người không biết chữ lại có thể rất mực đạo đức hiền lành. Trừ phi một người sử dụng hiểu biết của mình đi làm điều thiện hoặc điều ác, thì lúc đó hiểu biết của người ấy mới có liên quan đến thiện và ác. Nhưng chỉ là sự hiểu biết trong trí óc thì không có liên quan đến thiện và ác cả.
Nói tóm lại hành động của thân thể và hiểu biết trong trí óc thì không có liên quan đến thiện và ác. Nhưng sự nhận thức thuộc linh thì luôn luôn liên quan đến thiện và ác. Khi chúng ta phải lập quyết định làm điều thiện hoặc là làm điều ác, thì lúc đó chúng ta mới dự vào hành động thuộc linh. Mỗi một sự kiện thuộc linh đều mang tính chất thiện và ác. Còn những hành động của thân thể và hiểu biết trong trí óc thì không liên quan gì đến thiện và ác cả.
Nếu bạn tin rằng Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời và Chúa đến thế gian này để cứu vớt tội nhân, ấy là một sự hiểu biết trong trí óc thôi. Nhưng nếu bạn tin rằng Chúa Giê-su có thể cứu vớt tội nhận, và bạn muốn được cứu vớt cho nên bạn ăn năn hối cải tội lỗi của mình, bạn quyết định lựa chọn tốt lành lìa bỏ tội lỗi, lúc đó bạn mới bắt đầu dự vào hành động thuộc linh.
Nếu bạn chỉ tin rằng Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời thôi, nhưng bạn không có ăn năn hối cải thì niềm tin này cũng chẳng khác gì niềm tin của Satan. Satan cũng tin tưởng những điều này, và nó còn biết chắc rằng những điều này là thiệt nữa.
Nếu chúng ta chỉ rao truyền rằng Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời và Chúa đến thế gian này chịu chết để cứu vớt tội nhân, nhưng lại không kêu gọi người đời phải lìa bỏ tội ác đi theo công nghĩa, thì ấy không phải là Tin Lành trong Kinh Thánh. Chúng ta hãy đọc kỹ lời giảng của sứ đồ Phi-e-rơ để thấy rõ sứ đồ đã truyền giảng cái gì.
Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38 38 Phi-e-rơ trả lời rằng: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Chúa Giê-su chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được nhận lãnh Thánh Linh.”
Sứ đồ Phi-e-rơ kêu gọi người ta phải ăn năn hối cải. Ăn năn hối cải là lựa chọn điều thiện lìa bỏ điều ác.
Công Vụ Các Sứ Đồ 3:26 Chúa Trời đã dấy đầy tớ của Ngài lên và sai người đến với các ngươi trước hết để ban phước cho các ngươi bằng cách khiến cho mỗi người xoay lưng lìa bỏ những tội ác của mình.
Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng Chúa Giê-su đến ban phước cho chúng ta bằng cách khiến cho ta xoay lưng lìa bỏ tội ác của mình.
Trong lời giảng của Phi-e-rơ, sứ đồ kêu gọi người ta phải lựa chọn điều thiện lìa bỏ điều ác, sứ đồ không phải chỉ dặn bảo người ta tin rằng Chúa Giê-su chịu chết để cứu vớt chúng ta là xong.
Trở Thành Một Người Tín Đồ Cơ Đốc và Lìa Bỏ Tội Ác Lựa Chọn Điều Thiện
Vậy chúng ta phải lựa chọn giữa thiện và ác. A-đam phải lựa chọn giữa thiện và ác. Mỗi một người chúng ta đều phải lựa chọn giữa thiện và ác. Trở thành một người Tín Đồ Cơ Đốc theo đúng ý nghĩa trong Kinh Thánh là phải lìa bỏ tội ác và lựa chọn điều thiện.
Lựa chọn giữa thiện và ác chính là lựa chọn thương xót hay không thương xót người ta, lựa chọn thương yêu hay thù ghét người ta, lựa chọn cuộc sống hiến dâng hy sinh hay cuộc sống ích kỷ.
Lấy Điều Thiện Thắng Điều Ác
Nhưng tại sao tôi lại phải lựa chọn điều thiện chối bỏ điều ác? Bây giờ chúng ta trở lại câu hỏi đưa má bên kia cho người ta. Nếu một người vả má bên hữu của tôi, tôi nên làm cái gì? Tôi có thể đáp ứng lại bằng một trong ba cách.
Cách thứ nhất là người ấy vả má của tôi và tôi vả lại má của người ấy. “Mắt đền mắt, răng đền răng” chính là như thế. Tôi lấy ác trả ác. Nếu tôi làm như vậy thì sẽ làm gia tăng tội ác thôi. Tội ác của người ấy cộng thêm tội ác của tôi. Nếu người ấy lại vả má tôi nữa và tôi cũng vả lại người ấy thì tội ác sẽ gia tăng càng nhiều hơn, càng nhanh hơn.
Cách thứ hai là khi người ấy vả má của tôi, tôi không vả lại, tôi cứ ráng chịu đựng không trao trả lại. Tội ác không gia tăng, nhưng cũng không giảm bớt. Tôi có thể chịu đựng được bao lâu thì không biết, nếu người ấy lại vả má tôi một lần nữa thì không chừng tôi chịu không nổi và trao trả lại.
Các bạn thấy hai cách ở trên có tốt không? Và cách thứ ba là tôi lấy điều thiện thắng điều ác. Tôi đưa má bên kia cho người ấy. Nếu tôi không có lòng thương xót mà cứ đưa má bên kia cho người thì đó là vô ý nghĩa. Nhưng tôi đưa má bên kia cho người ấy vì tôi thương xót cho người và tôi muốn dùng lòng thương xót của tôi để chiến thắng lòng gian ác của người, thì người ấy sẽ kinh ngạc và bắt đầu ngẫm nghĩ rằng: “Tại sao ta vả má của nó mà nó vẫn thương ta đến dường này?” Tôi đưa má bên kia cho người chính là muốn khiến người kinh ngạc và ngẫm nghĩ. Khi tôi cứ tiếp tục đưa má bên kia cho người, người sẽ càng ngày càng kinh ngạc và càng ngẫm nghĩ nhiều hơn. Lòng thương xót của tôi bắt đầu chiến thắng lòng gian ác của người ấy.
Mục sư Trương Hy Hòa đã lấy lòng thương xót để cảm hóa người mẹ. Khi mục sư trở thành Tín Đồ Cơ Đốc thì người mẹ tức giận lắm, về sau mục sự quyết tâm đi truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời thì mẹ càng bận tức hơn. Khi mục sự theo học ở học viện Kinh Thánh, vào ngày nghỉ mục sự đi thăm người mẹ, nhưng mẹ bực tức đến nỗi không muốn tiếp nhận mục sư. Mục sự vừa mới bước vào trong nhà thì mẹ đã nói rằng: “Mẹ bận lắm, ngươi chừng nào mới đi về trường?” Người mẹ không muốn nhìn thấy mặt của mục sư, mẹ không muốn mục sư ở trong nhà. Nhưng mục sư vẫn thương yêu người mẹ, mẹ rầy la mục sư thì mục sư đi rửa chén rửa bát, dọn dẹp lau chùi nhà cửa cho mẹ. Sau khi lau chùi nhà cửa rồi, mục sư đi mua bông hồng tặng cho mẹ. Mục sự cứ tiếp tục hết lòng thương yêu người mẹ, và lòng thương xót của mục sư chiến thắng lòng bực tức của người mẹ. Về sau, qua cuộc đời của mục sư mà người mẹ nhận thấy rằng Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su là chân thật, và mẹ cũng nhận thấy tội lỗi của mình. Mẹ ăn năn hối cải và phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn vào trong tay của Chúa Trời. Điều thiện của mục sự đã chiến thắng điều ác của người mẹ.
Rô-ma 12:17 – 21 17 Đừng lấy ác báo ác cho ai cả; hãy chú tâm vào những điều thiện mọi người cho là tốt. 18 Nếu có thể được, anh em hãy hết sức sống hòa thuận với mọi người. 19 Hỡi anh em thân yêu, đừng tự trả thù ai, nhưng hãy nhường chỗ cho cơn thịnh nộ của Chúa Trời; vì có lời chép rằng: “Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng. Chúa nói vậy.” 20 Nhưng nếu kẻ thù của các ngươi đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy các ngươi chất than hồng trên đầu nó. 21 Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác.
“Than hồng” trong câu 20 là chỉ về sự ân hận của kẻ thù. Lòng nhân từ thương xót của chúng ta khiến người ấy ân hận, người thấy hổ thẹn về những việc ác mà người đã làm.
Trở thành một người Tín Đồ Cơ Đốc không phải chỉ là tin tưởng điều này điều nọ. Trở thành Tín Đồ Cơ Đốc thì phải có sự biến hóa. Sứ đồ Phao-lô dạy rằng Chúa Trời đã đổ tình thương yêu của Ngài vào trong lòng của ta. Tình thương yêu trong Kinh Thánh là quyết tâm yêu thương cả kẻ thù nghịch. Tình yêu thương này có thể chiến thắng tội ác. Bởi vậy chúng ta không cần lấy ác trả ác. Chúng ta dùng tình thương yêu và sự tốt lành mà Chúa Trời đã ban cho ta để chiến thắng điều ác.
Nếu tình thương yêu của Chúa Trời cảm hóa người ấy khiến người ăn năn hối cải thì chúng ta đã chiến thắng tội ác. Nhưng nếu người ấy không chịu ăn năn hối cải, thì ta cứ phó thác việc này cho Chúa Trời, sự trả thù thuộc về Ngài, Ngài sẽ báo ứng. Chúng ta chắc chắn không tìm cách trả thù, bởi vì nếu chúng ta trả thù thì ta cũng làm những việc gian ác mà người ấy đã làm vậy. Chúng ta sẽ không bao giờ để tội ác chiến thắng mình.
Nhờ tình thương yêu của Chúa Trời ban cho ta mà chúng ta có thể lấy điều thiện thắng điều ác. Chúng ta sẽ dùng tình thương yêu của Ngài để cảm hóa những kẻ bắt bớ ta và thù ghét ta, ta sẽ khiến họ ăn năn hối cải trở về với Ngài.
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church