Phó Thác Hoàn Toàn (12)
Như Mình
Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền biên soạn
Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF
Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục tra khảo điều răn “yêu thương người lân cận như mình.”
Điều Răn “Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình” Xuất Hiện Bảy Lần Trong Tân Ước
Điều răn này xuất hiện lần đầu tiên ở Lê-vi Ký 19:18 của Cựu Ước: “18 Đừng tìm cách báo thù, đừng mang oán hận những con cháu của người dân mình; nhưng hãy yêu thương người lân cận ngươi như mình; Ta là Gia-vê.”
Sau đó điều răn này được trích dẫn 7 lần trong Tân Ước. Điều này chỉ ra tầm quan trọng của điều răn này.
“Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình” và Sự Sống Đời Đời
Điều răn này xuất hiện lần thứ nhất ở Ma-thi-ơ 19:19 của Tân Ước.
Ma-thi-ơ 19:16 – 21 16 Bấy giờ có một người đến hỏi Chúa rằng: “Thưa thầy, tôi phải làm việc lành gì để được sự sống đời đời?” 17 Chúa Giê-su đáp rằng: “Sao ngươi hỏi ta về việc lành? Chỉ có một Đấng lành mà thôi. Nếu ngươi muốn được vào sự sống, thì hãy giữ các điều răn.” 18 Người đó hỏi: “Những điều răn gì?” Chúa Giê-su nói rằng: “Đừng giết người; đừng phạm tội tà dâm; đừng ăn trộm cắp; đừng làm chứng dối; 19 hãy hiếu kính cha mẹ; và hãy yêu thương người lân cận như mình.” 20 Người trẻ đó nói rằng: “Tôi đã giữ hết các điều này; tôi còn thiếu điều gì nữa?” 21 Chúa Giê-su phán rằng: “Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà tặng cho kẻ nghèo nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta.”
Có người đến hỏi Chúa Giê-su rằng phải làm việc lành gì để được sự sống đời đời. Trong câu 18 và 19, Chúa đáp rằng nếu muốn được vào sự sống thì phải vâng giữ các điều răn này: Đừng giết người, đừng phạm tội tà dâm, đừng ăn trộm cắp, đừng làm chứng dối, hãy hiếu kính cha mẹ và hãy yêu thương người lâm cận như mình. “Yêu thương người lân cận như mình” là một trong những điều răn mà chúng ta phải vâng giữ để được sự sống đời đời.
Xin hãy để ý, ở đây Chúa Giê-su không có nói đến điều răn lớn nhất: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Chúa Trời ngươi.” Chúa chỉ nói về điều răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu thương người lân cận như mình.” Ấy là tại vì khi chúng ta vâng giữ điều răn thứ hai thì ta đã làm trọn điều răn thứ nhất rồi. Vậy điều răn thứ hai này đã bao gồm cả điều răn thứ nhất.
“Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình” và Hiến Dâng Chính Mình
Điều răn này xuất hiện lần thứ 2 trong Mác 12:31.
Mác 12:28 – 34 28 Có một thầy dạy Luật đến nghe Chúa và người Sa-đu-sê biện luận với nhau, và thấy Chúa trả lời rất hay, bèn hỏi Chúa rằng: “Trong các điều răn, điều nào là lớn nhất?” 29 Chúa Giê-su đáp rằng: “Này là điều lớn nhất: ‘Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe, Chúa, Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một. 30 Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Chúa Trời ngươi.’ 31 Này là điều thứ hai: ‘Ngươi phải yêu thương người lân cận như mình.’ Không có điều răn nào lớn hơn hai điều này.” 32 Thầy dạy Luật nói với Chúa rằng: “Thưa thầy, thầy nói phải, thật Chúa Trời là một, ngoài Ngài ra chẳng có đấng nào khác nữa; 33 và kính mến Ngài hết lòng, hết trí, hết sức và yêu thương người lân cận như mình, ấy là hơn tất cả các của lễ thiêu và các của lễ.” 34 Chúa Giê-su thấy người trả lời một cách khôn ngoan, Chúa nói với người rằng: “Ngươi chẳng cách xa nước Chúa Trời đâu.” Rồi không ai dám hỏi Chúa nữa.
Một ông thầy dạy Luật đến cùng Chúa Giê-su và hỏi rằng trong các điều răn của Luật Pháp, điều răn nào là lớn nhất. Chúa đáp rằng điều răn lớn nhất là: “Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy lắng nghe, Chúa, là Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một. Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức mà kính mến Chúa là Chúa Trời ngươi,” và điều răn thứ hai là: “ngươi phải yêu thương người lân cận như mình.”
Rồi điều răn này lại xuất hiện lần thứ 3 ở Mác 12:33 trong câu trả lời của ông thầy đó: “và kính mến Ngài hết lòng, hết trí, hết sức và yêu thương người lân cận như mình, ấy là hơn tất cả các của lễ thiêu và các của lễ.”
Xin hãy để ý vào câu nói của ông thầy dạy Luật, ông nói rằng tất cả các của lễ hiến dâng ở Đền Thờ đều không bằng vâng giữ hai điều răn này: Hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức mà kín mến Chúa Trời và yêu thương người lân cận như mình. Tại sao vậy?
Tại vì khi chúng ta hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức kính mến Chúa Trời và yêu thương người lân cận như mình thì chúng ta đã hiến dâng chính mình hoàn toàn cho Chúa Trời và cho người lân cận. Khi chúng ta hiến dâng chính mình hoàn toàn thì ta trở thành của lễ hiến dâng; Và của lễ hiến dâng như vậy thì chắc là lớn hơn các con vật hiến dâng trong Đền Thờ.
Sứ đồ Phao-lô nói rằng chúng ta nên hiến dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh sạch.
Rô-ma 12:1 1 Bởi vậy, hỡi anh em, tôi lấy lòng thương xót của Chúa Trời khuyên anh em, hãy hiến dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh sạch, có thể làm đẹp lòng Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng thuộc linh của anh em.
“Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình” và Lòng Thương Xót
Điều răn này xuất hiện lần thứ 4 ở Lu-ca 10:27.
Lu-ca 10:25 – 37 25 Bấy giờ một thầy dạy Luật đứng lên để thử Chúa rằng: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” 26 Chúa nói rằng: “Trong Luật Pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?” 27 Ông thầy dạy Luật trả lời rằng: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Chúa Trời ngươi; và yêu thương người lân cận như mình.” 28 Chúa nói rằng: “Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó thì sẽ được sống.” 29 Nhưng thầy ấy muốn chứng tỏ mình là công nghĩa, nên nói cùng Chúa Giê-su rằng: “Ai là người lân cận của tôi?” 30 Chúa Giê-su trả lời rằng: “Một người đi từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, người bị lâm vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo của người, đánh đập người, rồi bỏ đi, để lại người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi tránh qua bên kia đường. 32 Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy người ấy, cũng tránh qua bên kia đường. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy người ấy thì động lòng thương xót; 34 người bèn áp lại, băng bó vết thương, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương; rồi người cho kẻ bị thương cỡi trên con lừa của mình, chở đến nhà quán trọ mà săn sóc cho. 35 Hôm sau, người lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: “Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả cho.” 36 Trong ba người đó, ngươi nghĩ ai là người lân cận với kẻ bị cướp?” 37 Thầy dạy Luật nói rằng: “Ấy là kẻ đã có lòng thương xót đối với người ấy.” Chúa Giê-su nói rằng: “Hãy đi, làm theo như vậy.”
(Xin đọc bài giảng “Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình (1)” để hiểu rõ giải thích về ví dụ này)
Câu 33 và câu 37 chỉ ra rằng yêu thương người lân cận như mình là liên quan đến một tấm lòng thương xót cho người ta. Vậy yêu thương người lân cận như mình tức là lấy lòng thương xót đối đãi người ta. Mà lòng thương xót lại chính là tính tình của Chúa Trời. Bởi vậy yêu thương người lân cận như mình tức là trở nên giống như tính tình của Chúa Trời vậy.
“Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình” và Làm Trọn Vẹn Luật Pháp
Điều răn này xuất hiện lần thứ 5 trong Rô-ma 13:9.
Rô-ma 13:9 – 10 9 Vì các điều răn này: “Ngươi chớ phạm tội tà dâm, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ tham lam”, và các điều răn nào khác đều tóm lược trong một lời nầy: “Ngươi phải yêu thương người lân cận như mình.” 10 Sự yêu thương không hề làm hại người lân cận; vậy yêu thương là làm trọn vẹn Luật Pháp.
Đoạn Kinh Thánh trên chỉ ra rằng tất cả các điều răn khác trong Luật Pháp đều tóm lược trong một điều răn này: “Ngươi phải yêu thương người lân cận như mình.” Vậy khi chúng ta yêu thương người lân cận như mình thì ta đã làm trọn vẹn toàn bộ Luật Pháp.
Hơn nữa, đoạn Kinh Thánh trên không có đề cập đến điều răn lớn nhất: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Chúa Trời ngươi,” mà chỉ nói đến điều răn thứ hai: “Ngươi phải yêu thương người lân cận như mình.” Mà căn cứ theo câu 10 của đoạn Kinh Thánh trên, vâng giữ điều răn thứ hai này thì đã làm trọn vẹn Luật Pháp rồi, bởi vậy điều răn thứ hai này đã bao gồm luôn điều răn lớn nhất.
“Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình” và Phụng Sự Lẫn Nhau
Điều răn “yêu thương người lân cận như mình” xuất hiện lần thứ 6 trong Ga-la-ti 5:14.
Ga-la-ti 5:13 – 15 13 Hỡi anh em, anh em đã được kêu gọi đến sự tự do, nhưng đừng lấy sự tự do đó làm dịp cho xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương mà phụng sự lẫn nhau. 14 Vì cả Luật Pháp chỉ tóm lại trong một lời nầy: “Ngươi hãy yêu thương người lân cận như mình.” 15 Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, hãy coi chừng, kẻo kẻ nầy bị tiêu diệt bởi kẻ khác.
Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng yêu thương người lân cận như mình có nghĩa là phụng sự lẫn nhau. Nếu chúng ta không muốn phụng sự các anh chị em Tín Đồ thì rốt cuộc ta sẽ cắn xé và ăn nuốt nhau. Bởi vậy chúng ta không thể giữ thái độ trung lập trong cuộc sống của Tín Đồ Cơ Đốc. Một là chúng ta yêu thương phụng sự lẫn nhau, bằng không ta sẽ cắn xé và đả kích lẫn nhau.
“Yêu Thương Người Lân Cân Như Mình” và Luật Pháp của Vua
Điều răn này xuất hiện lần thứ 7 trong Gia-cơ 2:8.
Gia-cơ 2:8 – 9 8 Thật vậy, nếu anh em làm trọn Luật của Vua căn cứ theo Kinh Thánh: “Hãy yêu thương người lân cận như mình,” thì anh em làm điều tốt. 9 Nhưng nếu anh em thiên vị người ta, thì anh em phạm tội, bị Luật Pháp định tội là kẻ phạm pháp.
Trong bài giảng trước, chúng ta đã thấy rằng trung tâm của lời dạy của Chúa Giê-su là nước Chúa Trời; Và nước Chúa Trời là liên quan đến “yêu thương người lân cận như mình”. (Xin đọc bài giảng trước “Yêu Thương Người Lân Cận”) Đoạn Kinh Thánh trên xác định rằng điều răn “yêu thương người lân cận như mình” là Luật của Vua, mà “Vua” ở đây là chỉ về Vua của nước Chúa Trời. Luật của Vua tức là Luật của nước Chúa Trời và chính là Luật của yêu thương.
Hơn nữa, câu 9 chỉ ra rằng dưới Luật của yêu thương thì không có sự thiên vị, mỗi một người đều được đối đãi giống nhau.
“Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình” là Loại Trừ Tất Cả Chướng Ngại Giữa Tôi và Người Khác
Khi nói về “yêu thương người lân cận như mình”, bạn nghĩ đến điều gì?
Nếu bạn muốn người khác hiểu rõ bạn, thì bạn phải ráng tìm hiểu về người khác. Nếu bạn muốn người khác giúp đỡ bạn, thì bạn phải đi giúp đỡ người khác.
Điều răn này thì rất thực tế, và trái ngược hẳn với bản tính của loài người chúng ta.
“Yêu thương người lân cận như mình” có nghĩa là tôi phải coi người lân cận tựa như chính mình vậy, tôi phải đối đãi người y như đối đãi chính mình vậy.
Làm sao mà tôi có thể coi một người khác tựa như chính mình vậy? Muốn làm được điều này thì đầu tiên tôi phải loại trừ tất cả chướng ngại giữa tôi và người ấy hầu cho tôi có thể đến gần người và hiểu được ý tưởng của người.
“Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình” là Hiến Dâng Chính Mình
Có những người rất yêu thương người bạn của mình, họ muốn làm việc này việc nọ cho người bạn. Họ chăm nom mọi chi tiết trong cuộc sống hàng ngày của người bạn, thí dụ như ăn cái gì, mặc đồ gì v.v. Rốt cuộc họ chăm nom người bạn đến nỗi gần như điều khiển cuộc sống của người bạn vậy.
Không ai muốn tình yêu thương như vậy, và Chúa Trời cũng không muốn chúng ta yêu thương người lân cận bằng cách này.
Khi tôi yêu thương người lân cận như mình, tôi không phải điều khiển cuộc sống của người lân cận. Ngược lại, tôi phải hiến dâng chính mình cho người lân cận.
“Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình” là Từ Bỏ Chính Mình
Ở phần trên tôi vừa mới nói về loại trừ chướng ngại giữa tôi và người lân cận. Mà những chướng ngại đó lại là thành lũy để bảo vệ chính mình tôi. Khi tôi loại trừ những chướng ngại đó, thì tôi chẳng còn cái gì để che chở chính mình nữa. Bởi vậy tôi phải bằng lòng từ bỏ chính mình, rồi mới có thể loại trừ chướng ngại giữa tôi và người lân cận.
Chúng ta đều có thể yêu thương người lân cận một cách giới hạn. Nếu người lân cận cần một ngàn đồng, tôi rất vui lòng cho người một ngàn đồng. Cho dù người ấy cần mười ngàn đồng, tôi cũng bằng lòng cho người số tiền đó. Nhưng “yêu thương người lân cận như mình” thì không có giới hạn gì cả. Chúng ta chắc không thể vâng giữ điều răn này trừ phi chúng ta bằng lòng từ bỏ chính mình.
Từ bỏ chính mình có nghĩa là tôi từ bỏ quyền lợi thích thú của mình để chăm nom cho lợi ích của người lân cận. Tôi coi lợi ích của người lân cận là lợi ích của tôi, tôi chăm nom mối quan tâm của người lân cận tựa như mối quan tâm của mình vậy.
“Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình” chính là Vác Cây Thập Giá của Mình
Ma-thi-ơ 16:24 24 Rồi Chúa Giê-su nói cùng môn đồ rằng: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.”
Ở phần trên tôi vừa mới giải thích rằng muốn thực hành “yêu thương người lân cận như mình” thì chúng ta phải bằng lòng từ bỏ chính mình. Mà ở đây Chúa Giê-su nói rằng: “Nếu ngươi muốn theo ta, thì phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.” Bởi vậy “yêu thương người lân cận như mình” chính là vác cây thập giá của mình.
Nếu bạn không muốn vác cây thập giá của mình mà theo Chúa Giê-su thì bạn không thể vâng giữ điều răn “yêu thương người lân cận như mình.”
“Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình” Sẽ Dẫn Đến “Yêu Thương Người Lân Cận Còn Nhiều Hơn Mình”
Khi tôi thấy người lân cận bị đói, tôi rất vui lòng cho người ăn no. Giả tỷ tôi rất nghèo, nhưng tôi vẫn có một chén cơm ăn; khi tôi thấy người lân cận bị đói, tôi có bằng lòng chia chén cơm đó với người không? Nếu một mình tôi ăn chén cơm đó, thì tôi được no; Nếu tôi chia chén cơm đó với người lân cận, người được nửa chén, tôi cũng được nửa chén; Tôi không được no, nhưng cũng không bị đói. Nếu tôi muốn thực hành “yêu thương người lân cận như mình”, thì tôi phải sẵn sàng hy sinh lợi ích thích thú của mình, thậm chí những nhu cầu cần thiết của mình để giúp đỡ người lân cận.
Giả sử trong lúc trời lạnh, tôi chỉ có môt chiếc áo ấm. Khi tôi thấy một người lân cận không có áo ấm, đang đứng ở ngoài đường run cầm cập, thì tôi phải làm gì? Một chiếc áo ấm thì không thể chia làm hai được, trong trường hợp này, tôi có vui lòng để cho người lân cận mặc chiếc áo ấm đó mà chính mình tôi chịu lạnh không? Nếu tôi thực sự yêu thương người lan cận như mình, thì tôi nên cho người lân cận chiếc áo ấm, và tôi bằng lòng chịu lạnh. Rốt cuộc từ “yêu thương người lân cận như mình” sẽ dẫn đến “yêu thương người lân cận còn nhiều hơn mình”!
Giả sử tôi đi tàu biển, giữa đường chiếc tàu gặp gió bão sắp chìm, và áo cứu đắm thì không đủ cho tất cả hành khách. Trong trường hợp này thì phải có người chịu hy sinh tính mạng của mình để cho người khác được sống. Nếu tôi thực sự yêu thương người lân cận như mình thì tôi nên hy sinh tính mạng của mình hầu cho người lân cận được sống. Này mới là ý nghĩa cao siêu nhất của điều răn “yêu thương người lân cận như mình.”
Điều Răn Lớn Nhất và Điều Răn Thứ Hai là Tương Đương Với Nhau
Bây giờ chúng ta nhìn vào một khía cạnh khác. Bạn hãy ngẫm nghĩ coi, bạn yêu thương chính mình bao nhiêu? Bạn đã ráng học và ráng làm để đạt được địa vị hôm nay. Bạn hết lòng, hết sức, hết trí yêu thương chính mình. Bạn cũng yêu thương cha mẹ của bạn, nhưng sự yêu thương đối với họ thì kém xa sự yêu thương đối với chính mình. Bạn cũng yêu thương người vợ, nhưng bạn yêu vợ không bằng yêu thương chính mình. Nói tóm lại, bạn yêu thương chính mình nhiều nhất, bạn yêu thương chính mình với toàn bộ tâm trí sức lực.
Điều răn lớn nhất đòi hỏi chúng ta phải hết lòng, hết sức, hết trí mà yêu thương Chúa Trời. Mà chúng ta đều yêu thương chính mình với toàn bộ tâm trí sức lực. Bởi vậy hết lòng, hết sức, hết trí mà yêu thương Chúa Trời chính là yêu thương Chúa Trời như yêu thương chính mình.
Điều răn thứ nhất đòi hỏi chúng ta phải yêu thương Chúa Trời như chính mình; còn điều răn thứ hai cũng đòi hỏi chúng ta phải yêu thương người lân cận như chính mình. Nếu chúng ta yêu thương người lân cận như mình, thì có lẽ nào chúng ta lại không yêu thương Chúa Trời như mình không? Bởi vậy điều răn thứ hai đã bao gồm điều răn thứ nhất, và hai điều răn này là tương đương với nhau.
Qua Ân Điển Và Bởi Đức Tin Mới Có Thể Thực Hành “Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình”
Phần nhiều người thấy rằng yêu thương người lân cận một chút chút là khó quá rồi, mà Kinh Thánh đòi hỏi chúng ta phải yêu thương người lân cận như mình. Bởi vậy “yêu thương người lân cận như mình” là điều chúng ta không bao giờ làm nỗi.
Chúng ta đều tự coi chính mình là cao hơn người khác. Chúng ta đều đứng trên ngọn núi cao mà nhìn xuống vào mọi người khác trên trần gian này. Muốn thực hành “yêu thương người lân cận như mình” thì đầu tiên phải dời đi những ngọn núi này. Ngọn núi mà tôi đứng trên phải dời đi, và ngọn núi mà người lận cận đứng trên cũng phải dời đi. Sau đó, tôi và người lân cận mới là bình đẳng với nhau, rồi tôi có thể coi người lân cận như chính mình vậy.
Ma-thi-ơ 21:21 21 Chúa Giê-su đáp rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin, và không nghi ngờ, thì chẳng những các ngươi làm được điều đã làm cho cây vả mà thôi, mà ngay cả khi các ngươi biểu hòn núi này rằng: ‘Hãy cất mình lên và quăng xuống biển, điều đó cũng sẽ làm được.’”
Chúa Giê-su dạy rằng bởi đức tin chúng ta có thể bảo hòn núi cất mình lên và quăng xuống biển. Khi chúng ta có đức tin bền vững, Chúa Trời sẽ ban ân điển cho ta để dời đi ngọn núi mà tôi đứng trên, rồi tôi mới có thể thực hành điều răn “yêu thương người lân cận như mình.” Bởi vậy ơn cứu chuộc là luôn luôn qua ân điển bởi đức tin.
Nếu Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta đều quyết tâm yêu thương người lân cận như mình, thì vinh diệu của Chúa Trời sẽ được bày tỏ qua Hội Thánh và chiếu sáng thế gian mờ tối này.
© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018
Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.
Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.
(c) 2021 Christian Disciples Church